Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số mở ra nhiều kỳ vọng cho bà con Khmer Sóc Trăng   (Lượt xem: 1900)

Trang chủ >> TIN TỨC >> Đời sống - Xã hội >> Dân tộc và phát triển

Cập nhật: 24/10/2023

Quyết định số 1719, ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình) giai đoạn 2021 - 2030 (từ năm 2021 - 2025, thực hiện giai đoạn I) đã mở ra nhiều kỳ vọng cho các địa phương, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn. Chương trình gồm có 10 Dự án, 14 Tiểu Dự án, 36 Nội dung chính sách thành phần với 158 hoạt động. Tỉnh Sóc Trăng được phân bổ kinh phí thực hiện trong giai đoạn 1 trên 2.130 tỷ đồng, có 63/109 xã, phường trong tỉnh thụ hưởng chương trình này. 

Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số mở ra nhiều kỳ vọng cho bà con Khmer Sóc Trăng  
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đến tỉnh Sóc Trăng thăm, tặng quà, chúc mừng Lễ Đôlta năm 2023 của đồng bào Khmer.  

Thành quả sau 3 năm triển khai Chương trình

Chương trình lần đầu tiên được triển khai tại 52 tỉnh, thành trong cả nước và đặc biệt có ý nghĩa nhân văn đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Có quy mô lớn nên các văn bản hướng dẫn, tổ chức thực hiện Chương trình còn chưa kịp thời, đầy đủ, dẫn đến triển khai một số nội dung còn chậm, gây lúng túng trong quá trình thực hiện. Tại tỉnh Sóc Trăng, với tinh thần khẩn trương, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, đã từng bước tháo gỡ vướng mắc bằng nhiều giải pháp hữu hiệu, đồng bộ để thực hiện 9/10 Dự án với tổng nguồn vốn được giao trong năm 2022 và 2023 là gần 674 tỷ đồng. Đến thời điểm này, hiệu quả từ Chương trình mang lại là đã tạo chuyển biến đáng mừng ở các vùng quê có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống.

Đối với Dự án 1: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạtNăm 2022 và 2023, tổng nguồn vốn thực hiện Dự án 1 là trên 188 tỷ đồng, Tỉnh hỗ trợ đất ở cho 338 hộ, nhà ở cho 1.899 hộ, chuyển đổi nghề cho 4.560 hộ, nước sinh hoạt phân tán cho 1.223 hộ và xây dựng 4 công trình nước tập trung.

Tại thị xã Vĩnh Châu - địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống của tỉnh Sóc Trăng, gia đình chị Sơn Thị Sà Vịn (ảnh dưới, áo carô màu vàng) ở ấp Trà Sết, xã Vĩnh Hải, chủ yếu là đi làm mướn và đi biển đánh bắt thuỷ, hải sản, làm ngày nào ăn ngày nấy, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Từ nguồn vốn của Chương trình, địa phương xét hỗ trợ gia đình chị Vịn xây chuồng, mua 4 con heo về nuôi, “gia đình ráng nuôi heo mau lớn, bán ra, rồi mua heo con nuôi tiếp. Mình nghèo mà được Nhà nước hỗ trợ thì mình cố gắng làm ăn để thoát nghèo”, chị Vịn nói.

Cũng thuộc diện hộ nghèo, được địa phương xét hỗ trợ nước sinh hoạt, gia đình chị Lâm Thị Tha (ảnh dưới) ở ấp Âu Thọ B, xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng phấn khởi, vì giờ đây “Nhà nước hỗ trợ thùng chứa nước được mười mấy ngày mới bơm nước 1 lần, chứ không như trước đây, gia đình xài nước giếng thì không sạch sẽ. Chứa nước bằng Lu, nhiều lúc bơm nước không đủ xài hoặc khi cúp điện là không có nước xài. Giờ khoẻ hơn trước rất nhiều”.

Tại huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng, gia đình chị Kim Thị Mỹ Tiên (ảnh dưới) ở ấp Phước Quới, xã Phú Tân là 1 trong nhiều hộ nghèo được xét hỗ trợ nhà ở. “Khi địa phương cho hay, gia đình tôi được Chương trình hỗ trợ xây dựng căn nhà mới, vợ chồng mừng đến nổi không ngủ được. Bởi vì trước đây nhà lá, trời mưa dột, ban đêm tôi ngồi hứng nước mưa. Chồng tôi đi làm kiếm tiền, ngày nào ăn hết ngày đó nên không có dư để cất nhà”, chị Tiên chia sẻ.

Đối với Dự án 3: Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị. Năm 2022 và 2023, nguồn vốn phân bổ cho Dự án 3 gần 37 tỷ 800 triệu đồng, Tỉnh thực hiện trên 40 mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cộng đồng.         

Tại huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng, hộ anh Trần Văn Định (ảnh dưới) ở ấp Chợ Cũ, thị trấn Hưng Lợi, là một trong nhiều hộ nghèo được Chương trình hỗ trợ để phát triển sản xuất. Anh Định là lao động tự do, còn vợ anh thì làm lao công tại một Trường Dân tộc nội trú. Vợ chồng cần cù, chịu khó làm ăn nhưng cuộc sống gia đình vẫn còn là hộ cận nghèo. “Gia đình tôi không đất sản xuất. Nhờ Nhà nước hỗ trợ, vợ chồng cố gắng làm ăn vươn lên. Giờ được Nhà nước hỗ trợ thêm 1 cặp bò, 2 vợ chồng vui mừng thức trắng đêm mong trời sáng để đi nhận bò về nuôi, cố gắng làm ăn để thoát cận nghèo”.   

Đối với Dự án 4: Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và các đơn vị sự nghiệp công lập của lĩnh vực dân tộc. Năm 2022 và 2023, Dự án 4 có tổng nguồn vốn được phân bổ trên 148 tỷ đồng, Tỉnh triển khai xây dựng 113 công trình, trong đó 81 công trình lộ giao thông nông thôn, 21 công trình cầu giao thông nông thôn, 1 nhà sinh hoạt cộng đồng và 10 công trình mạng lưới chợ, duy tu bảo dưỡng trên 50 công trình cơ sở hạ tầng. Nhiều dự án, công trình đã và đang đầu tư ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số từng bước giải quyết nhu cầu bức thiết của người dân.

Tại ấp Bưng Sa, xã Viên An, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng, Chương trình hỗ trợ địa phương xây dựng tuyến đường đã hoàn thành, đưa vào sử dụng trong niềm vui mừng, phấn khởi của người dân. “Trước đây khi chưa có tuyến đường này thì việc vận chuyển hàng hoá của bà con không thuận lợi, nhất là vào mùa mưa làm ảnh hưởng đến giá cả và chất lượng hàng hóa”, ông Sơn Gương - người dân địa phương nói.

Ông Sơn Gương vận chuyển màu đi bán trên đường vừa được chương trình MTQG đầu tư.

Đối với Dự án 5: Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Dự án 5 có nguồn vốn bố trí gần 193 tỷ 800 triệu đồng, Tỉnh đã triển khai xây dựng bổ sung, nâng cấp cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng dạy học cho 5 trường dân tộc nội trú.

Tại huyện Mỹ Xuyên, Chương trình đã đầu tư hơn 11 tỷ đồng để nâng cấp cải tạo Trường phổ thông DTNT THCS&THPT Thạnh Phú. Trường đưa vào hoạt động từ năm 2012, đến nay, trường có gần 460 em học sinh, nhưng nhiều hạng mục đã xuống cấp. “Việc đầu tư kinh phí xây dựng 53 phòng nội trú, 4 phòng trực quản giáo; cải tạo phòng học bộ môn, mua sắm trang thiết bị, cải tạo nhà ăn và mở rộng thêm khu nhà bếp đã cải thiện được môi trường học tập của học sinh, đặc biệt là khu nội trú có ảnh hưởng trực tiếp đến điều kiện sống và chất lượng học tập của học sinh”, Thầy Dương Sà Phol (ảnh dưới) - Hiệu trưởng nhà trường, nói.

Đối với Dự án 6: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch. Dự án 6 có nguồn vốn phân bổ hơn 23 tỷ đồng, Tỉnh đã triển khai chính sách hỗ trợ cho 14 Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú người dân tộc thiểu số trong việc lưu truyền, phổ biến hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống và đào tạo, bồi dưỡng cho những người kế thừa. Thành lập 4 Câu Lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian tại các ấp vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tổ chức hoạt động thi đấu thể thao truyền thống trong các ngày hội, liên hoan, giao lưu nhằm bảo tồn các môn thể thao truyền thống, các trò chơi dân gian của các dân tộc thiểu số, hỗ trợ đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao và trang thiết bị cho 124 ấp vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Câu Lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian.

Trong 2 năm, tỉnh phân bổ tổng nguồn vốn hơn 3 tỷ đồng để thực hiện các hoạt động phát huy vai trò của người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số: Họp mặt biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; thăm hỏi nhân dịp lễ, tết, ốm đau, khó khăn, qua đời; tổ chức hội nghị thông tin, mua báo cho người có uy tín; tổ chức đi thăm quan học tập kinh nghiệm, tiếp đón đoàn người có uy tín các tỉnh bạn; tham gia chương trình biểu dương, tôn vinh người có uy tín toàn quốc năm 2023… thông qua các hoạt động trên nhằm tạo điều kiện thuận lợi để người có uy tín phát huy vai trò của mình trong công tác vận động đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Mục tiêu, kỳ vọng trong giai đoạn tiếp theo

Tỉnh Sóc Trăng đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 nâng mức thu nhập bình quân trong đồng bào dân tộc thiểu số đạt từ 70 triệu đồng trở lên; giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số mỗi năm từ 3% - 4%; có 100% số trường, lớp học và Trạm Y tế được xây dựng kiên cố; 100% Trường Dân tộc nội trú và Trạm Y tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số được xây dựng kiên cố; 99% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia; 90% đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% đồng bào dân tộc được xem Truyền hình và nghe đài Phát thanh; cải thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội ở các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn. 

Bí thư Tỉnh uỷ Sóc Trăng (áo trắng, giữa ảnh) thăm tặng quà nhân dịp lễ, tết.

Thời gian tới, để tiếp tục triển khai thực hiện đạt được mục tiêu đề ra, tỉnh Sóc Trăng chú trọng công tác tuyên truyền, vận động người dân chung tay thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia, nhất là tập trung ưu tiên các xã, ấp đặc biệt khó khăn và hỗ trợ đúng đối tượng thụ hưởng… Bên cạnh sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị thì từng hộ đồng bào dân tộc thiểu số phải chủ động vượt khó vươn lên phát triển kinh tế gia đình, để các chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước (trong đó có Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số) thực sự trở thành đòn bẩy thúc đẩy hộ gia đình và các địa phương phát triển, từ đó nâng cao đời sống vật chất, tinh thần vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bộ mặt nông thôn đổi mới, quê hương giàu đẹp, văn minh./.

Ngọc Diễm, Bảo Quân


QUẢNG CÁO
     

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP - ĐÀI PT & TH SÓC TRĂNG.

Giám đốc: Nguyễn Văn Bốn.

Giấy phép số: 287/GP-TTĐT cấp ngày 22/12/2016.

Địa chỉ: 132 Trần Văn Bảy, Phường 3, TP Sóc Trăng.

Điện thoại: 0299 3822598 - Fax: 0299 3825876.

® Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Ghi rõ nguồn THST.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.




Phát triển bởi: Phòng Kỹ thuật Đài PT & TH Sóc Trăng.
Soc trang - truyen hinh soc trang - dai th soc trang - dai truyen hinh soc trang - th soc trang - Soc trang TV - thoi su soc trang - THST - truyen hinh - soc trang online